Kinh tế - xã hội Kon Rẫy

Huyện Kon Rẫy có số đồng bào dân tộc bản địa chiếm tỷ lệ tương đối cao, có nền văn hoá cổ truyền đa dạng, phong phú, đặc trưng cho bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Nguyên. Trong thời gian tới huyện Kon Rẫy sẽ tiếp tục phát huy nội lực, nhất là khai thác tiềm năng đất xây dựng, đất nông nghiệp dọc quốc lộ 24, tranh thủ tối đa các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội miền núi, phát huy các tiềm năng, lợi thế trong hợp tác và thu hút đầu tư, bao gồm:

  • Phát huy mọi lợi thế và tiềm năng để hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung với quy mô thích hợp, phát triển mạnh dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo ra khối nông - lâm sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
  • Thay đổi cơ cấu đầu tư theo vùng, tạo điều kiện và ưu tiên khuyến khích những tiểu vùng có lợi thế nhất để vừa làm mẫu, động lực thúc đẩy các tiểu vùng khác, vừa phát huy tối đa lợi thế tự nhiên, tạo ra các sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao.
  • Đầu tư thâm canh, sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng lúa nước hiện có. Tăng cường đầu tư cho các công trình thuỷ lợi để mở rộng diện tích lúa nước. Tập trung ưu tiên phát triển chăn nuôi lấy thịt theo hướng chuyển đổi từ chăn nuôi tự cung tự cấp sang chăn nuôi hàng hoá; phát triển nghề chăn nuôi bò trong các nông hộ, các thành phần kinh tế, nhằm nhanh chóng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
  • Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn, bao gồm kinh tế nông - lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống để giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tiến tới sự phát triển bền vững trong tương lai.